Truy cập nội dung luôn

Phường Đắc Sơn tổ chức Lễ hội truyền thống đền Lục Giáp năm 2024

Mon Apr 22 11:00:00 GMT+07:00 2024

Sáng ngày 22/4 (tức ngày 14/3 âm lịch), UBND phường Đắc Sơn tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Đền Lục Giáp năm 2024. Về dự có các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị Thành phố; Trần Xuân Trường – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; Lãnh đạo UBMTTQ, Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố.

 Các đồng chí lãnh đạo Thành phố dự lễ khai mạc

Đền Lục Giáp thuộc tổ dân phố Dương, phường Đắc Sơn. Theo các tư liệu lịch sử, thời xa xưa đền là một ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của dân làng vùng Sơn Cốt. Đến thế kỷ XII (thời nhà Lý), để tưởng nhớ công ơn của Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người đã có công lớn giữ yên bờ cõi phía Bắc nước Đại Việt, nhân dân làng Sơn Cốt đã lập miếu để thờ. Đến thế kỷ XV (thời Lê), Tiến sĩ Đỗ Cận, người làng Thống Thượng (xã Minh Đức ngày nay) đã thuê thợ giỏi đục đẽo và chạm khắc thành khung nhà hoàn chỉnh rồi đem về dựng ở nơi đây, thay thế cho ngôi miếu nhỏ cũ. Từ đó, nhân dân 6 giáp làng Sơn Cốt (tức phường Đắc Sơn ngày nay) trông coi đền và đền mang tên Lục Giáp từ đó. Đền Lục Giáp được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.  Vừa qua, Nhà nước đã đầu tư 23 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích thêm khang trang. Đặc biệt, ngày 01/4/2024, Lễ hội truyền thống đền Lục Giáp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.


Nghi thức tế lễ của các cụ ông

Được tổ chức trong 2 ngày: 14 và 15/3 âm lịch hàng năm, Lễ hội đền Lục Giáp gồm phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ có các hoạt động tế thần, lễ dâng hương, rước cỗ, biểu diễn vật thờ; phần Hội gồm các trò chơi dân gian như: Cờ người, vật cổ truyền,  bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, chọi gà, kéo co, biểu diễn thể dục dưỡng sinh…

Nghi thức tế lễ của các cụ bà

Lễ hội đền Lục Giáp năm nay đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương xa gần đến tham dự, là dịp để mỗi người dân thể hiện sự tôn kính, tri ân trước những công lao của các bậc cha anh đã có công đánh giặc giúp nước, đồng thời cũng là dịp để du xuân vãn cảnh non nước hữu tình của ngôi đền nhỏ nằm bên bờ sông Công.

Múa lân sư rồng khai mạc lễ hội

Nghi thức vật thờ - nét đặc trưng của lễ hội đền Lục Giáp

Nguyễn Ngân

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2107968